ĐẠO TÂM 18/03/2019

VÕ ĐẠO THIẾU LÂM QUYỀN SƠN

8:00 AM - 21:00 PM

ĐẠO TÂM 18/03/2019
Ngày đăng: 29/08/2022 04:31 PM

Bài 60.Tự độ, (độ mình), tha độ (độ người)

 

Tha độ:

 

Dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo hèn

 

Dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới

 

Dùng nhẫn nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ

 

Dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi

 

Dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý

 

Dùng trí tuệ để nhiếp độ kẻ ngu si

 

Nói pháp trừ nạn, để độ kẻ tán mạng

 

Dùng pháp đại thừa để độ kẻ tiểu thừa

 

Dùng các pháp lành để cứu tế người không đức

 

Thường dùng tứ nhiếp để thành tựu chúng sanh.

 

 

(Tha độ)

 

1/ Nhẫn những điều chúng sinh không thể nhẫn

 

2/ Khổ nhiều hơn chúng sinh khổ

 

3/ Đem niềm vui, an lạc cho chúng sinh

 

4/ Giảng kinh, nói chánh pháp cho chúng sinh nghe

 

5/ Có khả năng sử dụng nhiều phương tiện để giáo hóa chúng sinh (phải có trí huệ)

 

6/ Phải lăn xả vào chúng sinh, nhập thế hành đạo.

 

7/ Phải có trí huệ nhân quả nghiệp báo, khổ, không, vô thường, vô ngã, thấy được các pháp do duyên sanh, các pháp không có tự tánh

 

(Các pháp xưa nay thường vắng lặng

 

Pháp trụ ngôi pháp

 

Tướng thế gian thường còn)

 

...............................

 

Điều thứ 7 rất quan trọng khi hóa độ chúng sinh (tha độ),

 

Cư sĩ phải cố gắng, tùy theo sức mình nhé, đừng vì quá sức sinh phiền não, khi sinh phiền não thì hạnh sẽ bị thoái lui.

 

Vì để Cư sĩ vào phẩm pháp hoa cho nên Sư Phụ giảng hạnh của bồ tát (tha độ), các Cư sĩ phải cố gắng nhé.

 

Nếu không tháo dở bức màng vô minh, tà tri, tà kiến, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, chấp đố, bảo thủ, cứng nhắc, chấp nhứt đạo đức của thế gian, đúng, sai,... thì không thể vào phẩm pháp hoa. (vì pháp hoa là tu bồ tát, bồ tát hữu tình thì rộng lượng, bao dung, từ bi,với tất cả chúng sinh ...), tu hành đôi khi ta không màng tới mọi người xung quanh (vì hạnh mình còn yếu dễ bị  dính mắc, chướng ngại, phiền não khi tiếp xúc..., )

 

 

Bài 61. Đức Văn Thù bồ tát đại diện cho đại trí, Đức Phổ Hiền bồ tát đại diện cho đại hạnh. Có trí mà không hạnh, hành thì không thể thâm nhập diệu nghĩa pháp hoa (Đắc pháp hoa). Muốn thâm nhập phải thực hiện Tứ nhiếp pháp.

 

1/ Trong tâm luôn luôn có phật (có phật hộ niệm)

 

2/ Làm việc phúc đức, trồng các căn lành

 

3/ Tu cho đạt chánh định, không để tâm tán loạn, không để ngoại cảnh làm xúc động

 

4/ Phát đại bi tâm, nguyện cứu muôn loài đó là 4 nguyên tắc

 

 Về thực hành:

 

- Thọ trì phẩm kinh (nắm giữ lời kinh dạy)

 

- Vừa thọ trì vừa đọc tụng

 

- Suy ngẫm để hiểu nghĩa kinh

 

- Đúng như pháp mà thực hành (thực hành ở thân, thực hành ở khẩu, thực hành ở thiền định)

 

Tiếp bài (tha độ). Sư Phụ giảng song song các bài Cư sĩ cố gắng học thuộc phẩm pháp hoa, thâm nhập pháp hoa để trợ lực, hạnh Cư sĩ vào giới thứ 2.

 

Cư sĩ thấy tha độ (độ người) không dễ chút nào, nếu không khéo bị ma chướng độ lại, làm hạnh thoái lui. Cho nên trước hết muốn độ người phải độ mình trước vậy. Độ các thói hư tật xấu của mình, thuần phục tâm mình trước, hàng phục vọng tâm của mình, an trụ chân tâm mình, không để nó đi rong rủi, không để nó chạy theo vọng trần bên ngoài, không để nó lăng xăng, điên đảo. Thế gian này thường người ta hay lo chuyện bao đồng, mà không biết rằng ta không đủ lực, ta chưa đủ hạnh, thích chứng minh mình giỏi, mình hay, thích được mọi người khen ngợi tâng bốc, đâu biết rằng đó là hầm hố, cạm bẫy đó là rắn độc, nó là kẻ thù của ta.

 

Có tâm thì rất tốt, nhưng phải có lực nữa, phải biết tự lượng sức mình, nếu không cứ chạy hoài, mà không về đến đích.

 

Khi không đủ hạnh, không đủ lực, độ người thất bại, độ mình không xong, tu hành không tiến bộ, quay lại nghi ngờ pháp tu, nghi mình thì không sao, nghi cả thầy mình, nghi tất cả mọi người như thế là điên đảo thật tội nghiệp, đáng thương.

 

Để vào pháp hoa, Cư sĩ phải tin rằng mình có phật tánh, mình có khả năng thành phật, niềm tin phải chân thật, niềm tin phải tuyệt đối.

 

Mọi chúng sinh đều có khả năng thành phật. Giống như vàng, từ khi lấy nó từ các mỏ nó có nhiều tập chất, nhiều thành phần trong đó. Phải qua quá trình nấu, đãi, sàng, lọc, chế biến, mới làm ra chiếc nhẫn, dây chuyền đồ trang sức. Tu hành cũng như thế là quá trình đãi vàng trong cát.

 

 

Bài 62.

 

Tu hành là quá trình đãi vàng trong cát. Cư sĩ phải trãi qua một thời gian rất dài. Trong quá trình tu, có lúc tỉnh táo, có lúc điên đảo, có lúc tỉnh, lúc mê, lúc đúng, lúc sai, có lúc cống cao ngã mạn, có lúc nhu hòa... nhưng dù có bị lầm lạc, mê lầm Cư sĩ vẫn phải tin ta có căn lành, ta có thiện căn, ta có thiện niệm, ta có phật tánh, ta có thể thành phật và sẽ thành phật, niềm tin chân chánh, vững chãi tuyệt đối không lay động sẽ là cứu cánh giúp cho Cư sĩ vượt qua những lúc khó khăn, điên đảo để  thâm nhập pháp hoa.

 

Vì thế khi Cư sĩ thấy người bị dính mắc, bị điên đảo, bị cao ngạo,... Không nên sinh tâm coi thường, khinh khi, coi chừng mình bị dính chấp mà không hay, tưởng ta tĩnh, đâu ngờ ta cũng bị mê. Khổ nhất là không biết mình mê. Hãy dìu dắt hỗ trợ nhau trên bước đường tu, ai té thì ta đỡ, ai tinh tấn thì ta học hỏi, cùng nhau đàm luận để học hỏi những kinh nghiệm tu hành. Hãy từ bi với tất cả mọi người, sự chướng ngại trong quá trình tu hành là điều không tránh khỏi, ta có lúc cũng như thế, ai rồi có lúc cũng như thế, nếu không như thế thì làm sao đãi được vàng trong cát, lấy ngọc trong đá? 

 

Cư sĩ phải luyện tập nhìn thấy sự đúng sai của người, thấy có hình bóng của mình trong đó, để từ đó quán xét tâm mình và điều chỉnh hành vi cho chính mình, chứ không nhìn thấy đúng sai của người khác, rồi nảy sinh dính chấp, đối đãi, phân biệt. Thực tế việc đúng sai của người khác đâu có liên quan tới ta, tại ta chấp rồi ta khổ đau do chính hành vi chấp của mình, rồi ta phiền não và làm người khác phiền não theo.

 

Mỗi việc đúng sai của ta, của người điều có nhân quả nghiệp báo tương xứng phải thọ lãnh. Vậy việc sai trái của người, họ phải thọ lấy quả báo do chính hành vi mình tạo ra, vô tình ta chấp, ta phiền não, ta sân si, vô tình ta đã tạo ra nghiệp báo cho chính bản thân mình vì hành vi sai trái của người khác, không lẽ điều này Cư sĩ không nhận ra? Vậy phiền não chồng phiền não, quả báo chồng lấy quả báo, bao giờ mới xả hết nghiệp?

 

Sư Phụ giảng pháp để đưa Cư sĩ vào pháp hoa, là đã gieo hạt giống bồ đề trong tâm và được nuôi dưỡng bằng căn lành của Cư sĩ, dù biết rằng sự thọ nhận của các Cư sĩ không đồng đều, nhưng hạt giống bồ đề đã gieo sẽ không bao giờ mất đi, chờ ngày căn lành của Cư sĩ thuần thục, rồi có ngày hạt giống bồ đề sẽ nảy mầm sinh hoa và kết quả.

 

Ngày nay không hiểu, ngày mai sẽ hiểu, ngày mai không hiểu thì ngày sau sẽ hiểu, ngày sau không hiểu thì đời sau sẽ hiểu, ngày nay chưa chứng, ngày sau sẽ chứng, chỉ cần Cư sĩ luôn nuôi dưỡng căn lành, thì hạt giống bồ đề đã gieo sẽ không bao giờ mất đi, tu hành là một quá trình chứng nghiệm không giới hạn không gian và thời gian.

 

Đăng ký nhận tin

0
Zalo
Hotline