VÕ ĐẠO THIẾU LÂM QUYỀN SƠN
PHÁP HIỆU
VÕ THUẬT - ĐẠO PHÁP - HOẰNG TRUYỀN
---&---
MÔN QUI
1. Trung thành với tổ quốc, bảo vệ danh dự môn phái, không phản sư phế đạo.
2. Không tà dâm háo sắc, không ỷ thế hiếp đáp người, không sanh tâm đạo tặc.
3. Thắng không kiêu, bại không nản, gian nan không sờn.
4. Tu chỉnh bản thân, biết phục thiện không cố chấp cuồng vọng mưu đồ phản đạo.
5. Tuân thủ Luật Lệ, Qui Chế, Điển Chương, Tôn chỉ “Võ – Đạo – Đời”.
6. Luôn hiếu đạo với ông bà cha mẹ, tôn sư trọng đạo, kính trưởng, thương bạn, trừ khử tham vọng. Luôn tu rèn đạo đức và nhân cách đối đãi với trưởng bối thì kín cẩn, sư huynh đệ phải ôn hòa thành tín, hòa thuận và đoàn kết, không được khinh khi, coi thường, ỷ mạnh hiếp yếu, hành động cuồng vong.
7. Người tập võ lấy cương kiện thân thể làm yếu chỉ, tập luyện thường xuyên không tự ý bỏ dở tập luyện. Công phu, kỹ thuật có tinh diệu đến đâu, chỉ dùng để tự vệ tuyệt đối cấm tự ỷ mạnh mà có hành động háo thắng.
8. Lấy nhẫn nhục cứu thế làm tôn chỉ, không được khinh suất biễu diễn tài nghệ, ba hoa, khoác lác, hành động phô trương, cao ngạo, trịch thượng, tự ý mở võ đường thu nhận và dạy đệ tử.
9. Phàm người cùng môn phái không được tức giận so tài, nên chí thành thương yêu, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Người mạnh giúp đỡ người yếu, người thịnh vượng giúp đỡ người yếu kém, người sáng giúp đỡ người tối, huynh đệ đồng môn phải xem như cốt nhục.
10. Ăn uống rượu thịt phải có chừng mực, cung kính giữ gìn, không lạm sát và không hiếu sát. Rượu có thể đoạt mất ý chí, thịt làm mê muội tinh thần. Cấm có lòng ỷ mạnh tranh thắng, ham khoe khoang.
11. Truyền thụ đệ tử chân truyền nên lựa chọn thận trọng, phàm người không tín thực, không Trung - Nghĩa không được truyền thụ.
12. Người không tín nghĩa không trung thực, vi phạm lễ pháp, đạo đức, không có lòng Nhân - Nghĩa không được giao nhiệm vụ huấn luyện, hay quản trị.
13. Tế khẩn, phò nguy, bảo quốc an dân, nhẫn nhục độ đời, độ người, công tâm, hành thiện, giúp đỡ người cơ yếu, thế cô, lấy từ bi làm yếu chỉ.
14. Đối với người môn phái khác phải tôn trọng và khiêm nhường, giao tế phải lịch sự và văn hóa, giao đấu phải hết mình. Không được tập luyện, biễu diễn võ thuật môn phái khác trong võ đường.
15. Vào phòng tập không được có mùi rượu, bia và không hút thuốc. Tuyệt đối không sử dụng ma túy và các chất kích thích nguy hại khác. Tập luyện phải siêng năng, nhiệt tình, kỹ luật và tự giác, không lười biếng, không gây ồn ào, không làm mất trật tự, không đùa giỡn nói chuyện riêng trong giờ tập, chịu mọi trở ngại, nhẫn nại trong khi tập luyện, đi tập phải đúng giờ, nghỉ học phải xin phép, đồng phục phải đúng qui cách.
16. Uống rượu, bia, phải đúng thời, đúng lúc, và có chừng mực, không vì rượu bia, cờ bạc mà làm mất tư cách đạo đức môn sinh, gây mất đoàn kết nội bộ, phương đến hại uy tín, danh dự môn phái, vi phạm an ninh trật tự xã hội và luật pháp nhà nước. Với sư huynh đệ và người khác giới phải chuẩn mực văn hóa, đạo đức.
17. Luôn luôn tu rèn luyện đạo đức và nhân cách, bồi dưỡng tài năng, có ý chí mạnh mẽ, kiên trì bền bĩ vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt được mục đích.
18. Khi có điều kiện quản trị hay quản lý, hãy trọng dụng người hiền tài, người có đạo đức, không vì tham cầu danh lợi mà sử dụng người bừa bãi, bất chấp đạo lý phạm đến người khác.
19. Phải có tinh thần đóng góp, xây dựng, khuếch trương quang đại môn phái. Nhiệt tình tham gia các giải thi đấu, phong trào thanh niên, góp phần xây dựng xã hội nâng cao uy tín, danh dự Môn phái.
20. Qui định về đạo tâm:
- Mỗi tháng các võ sinh, HLV đang tập luyện thắp hương lễ Tổ và học đạo tâm vào các ngày mùng 1, 14 hoặc 15 âm lịch.
- Các võ sinh hoặc huấn luyện viên tham gia đầy đủ các ngày lễ trong môn phái: Lễ Giổ Tổ, sinh nhật Môn Phái 15/05, ngày lễ Nhà giáo Việt nam 20 -11 sinh nhật Chưởng Môn 20/09. Nếu vi phạm sẽ bị qui về đạo tâm bị cấm thi lên cấp trong đợt thi gần nhất, hoặc bị hạ cấp bậc đại (kể cả có xin phép).
- Các võ sinh tham dự thi lên cấp phải đảm bảo: Tập luyện 12 buổi/1 tháng hoặc 36 buổi/3tháng (kể cả các ngày học đạo tâm), mọi hình thức nghỉ tập đều phải tập bù.
- Ra vào sân, phân thế điều phải thực hiện nghi lễ đúng qui định.
- Luôn lễ phép với người lớn tuồi và tôn trọng mọi người, sẵn sàng đón nhận sự đóng góp quí báu của tất cả mọi người.
- Các võ sinh vi phạm đạo tâm, đạo đức xét mức độ vi phạm có thể bị hạ cấp, đai, đẳng hoặc bị trục xuất khỏi Môn Phái.
21. Qui định thi lên cấp môn phái và phong đai:
Môn phái sẽ tổ chức thi lên cấp cho các võ sinh ở các cấp: Đai đen, Đai xanh, Hồng đai, Hoàng đai từ 1 đẳng đến Hoàng đai 4 đẳng, Bạch đai, Bạch đai từ 1 đến 10 đẳng và tiến hành lễ phòng đai đẳng ở các cấp này.
22. Qui tắc chuẩn hóa trình độ võ thuật của môn sinh (Võ pháp):
- Mỗi bài quyền, binh khi môn sinh phải tập đủ tử 500 – 1000 lần mới học bài tiếp theo và kiểm tra bằng phương pháp bịt mắt.
- Mỗi bài quyền binh khí sau khi thuần thục môn sinh phải hướng dẫn 10 môn sinh khác nhau, hoặc 10 lớp khác nhau thì mới được công nhận là HLV chính thức cho bài quyền hay binh khí bài đó.
- Võ sinh phải tuân thủ các nguyên tác huấn luyện, phương châm huấn luyện, phương pháp huấn, điều lệnh, khẩu lệnh huấn luyện và linh động ứng dụng các phương pháp huấn luyện vào các đối tượng khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
23. Quy định lễ nhập môn và công nhận đệ tử chân truyền:
- Mỗi võ sinh sau khi đăng ký tập luyện, được học môn qui, học các điều qui định khác trong môn phái. Môn phái sẽ tiến hành tổ chức lễ thắp hương Tổ Sư sáng lập võ thuật Thiếu Lâm cho môn sinh mới nhập môn theo qui định.
- Môn sinh sau khi đăng ký tập luyện liên tục sau 2 năm nếu đạt các tiêu chuẩn sau:
- Chuẩn hóa võ thuật môn phái theo qui định.
- Chuẩn hóa đạo tâm, đạo pháp theo qui định.
Qua kiểm tra và xét duyệt, môn phái sẽ tổ chức lễ nhập môn và công nhận đệ tử, đệ tử chân truyền và trao thẻ.
24. Qui định về tên gọi, chức danh trong môn phái:
- Lãnh đạo môn phái gọi là Chưởng Môn.
- Đứng đầu 1 phân nhánh của Môn phái: gọi là Trưởng Tràng.
- Quản lý 1 lớp võ gọi là Giáo Đầu.
- Cấp chuyên môn trong trong môn phái: Võ sinh - Hướng dẫn viên - Huấn luyện viên sơ cấp - Huyện viên trung cấp - Huấn luyện viên cao cấp. Chuẩn võ sư - Võ sư - Võ sư cao cấp - Quyền sư.
25. Qui định tên môn phái, tên võ đường phân nhánh:
- Tên môn phái: Võ đạo Thiếu lâm Quyền Sơn: Có 6 chữ, có lô gô, có pháp hiệu, có pháp danh đệ tử.
- Tên Võ đường phân nhánh do đệ tử mở: Có 4 chữ (nằm dưới tên môn phái), có tôn chỉ, có pháp danh đệ tử phân nhánh (pháp danh đệ tử Môn phái + 1 chữ pháp danh đệ tử phân nhánh).
26. Qui định đẳng cao nhất trong Môn phái:
Đẳng cao nhất trong môn phái là Thập Đẳng (trong đó đẳng võ thuật là 8 đẳng + 2 đẳng đạo pháp).
27. Dù tiến xa tới đâu trên con đường mình đi, dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào trong xã hội, dù xảy ra bao nhiêu sự kiện đi nữa, dù ở bất cứ nơi đâu! Đệ tử phải luôn luôn giữ vững tấm lòng son, lấy tâm đạo người luyện võ bảo vệ, gìn giữ và phát triển Môn phái.
Môn qui được sửa đổi trên cơ sở môn qui năm 2013
và được hội đồng hộ pháp thông qua ngày 01/01/2018
Môn phái, ngày 01 tháng 01 năm 2018
Quyền Sư. Nguyễn Văn Nguyễn
------------------------------------------------------------------------------------------------------
CA QUYẾT
1. Võ sinh phải tận trung báo quốc
Dốc lòng theo pháp chỉ Quyền Sơn
Giữ tam hiệp Võ - Đời - Đạo
2. Đồng môn huynh đệ khoan hòa
Tình như thủ túc một nhà yêu thương
Luôn luôn trên kính dưới nhường
Giúp nhau luyện tập khang cường vệ thân
3. Tự mình quyết chuyên cần nhẫn nại
Không phản sư kiêu ngạo tà dâm
Truyền nghệ cho người có Tâm
Nêu gương sáng Thiếu Lâm quê nhà
4. Đối nhân thế yêu thương tín nghĩa
Tâm công bình che chở kẻ cô
Cứu nguy hành thiện đức vô bờ
Không sa ngã tham, sân, si bạo ngược
5. Người khác phái coi như tân khách
Có lòng thành học tập lẫn nhau
Giữ cho hòa khí lâu dài
Cùng tôn trọng tinh thần thượng võ
6. Tạo gia đình ấm êm hạnh phúc
Xây cộng đồng khu vực văn minh
Các phong trào tham gia hết mình
Nêu gương sáng Quyền Sơn Võ Đạo.