Bài 57.
Muốn độ thoát tất cả chúng sanh phải trừ phiền não, muốn trừ phiền não phải thực hành chánh niệm, muốn thực hành chánh niệm, phải thực hành pháp không sanh không diệt, muốn thực hành pháp không sanh diệt phải thực hành pháp thiện không sanh, pháp bất thiện không diệt, muốn thực hành pháp thiện không sanh, pháp bất thiện không diệt thì phải lấy thân làm gốc, thân thì lấy tham dục là gốc, tham dục lấy hư vọng phân biệt là gốc, hư vọng phân biệt lấy tưởng điên đảo là gốc, tưởng điên đảo lấy không trụ là gốc, không trụ thì không có gốc...
Pháp thiện không sanh
Pháp bất thiện không diệt
Không trụ thì không gốc
Nhắc lại: Độ thoát tất cả chúng sinh là chúng sinh trong tâm ta, không phải chúng sinh bên ngoài không tìm cầu bên ngoài nhé.
Chạy bên ngoài có nghĩa là:
Thấy tướng người ta sai, chứ không thấy mình sai, chấp tướng đủ thứ, cái này đúng, cái kia sai, thấy cái gì cũng nói, thấy cái gì cũng nêu quan điểm, nêu lý luận, thấy cái gì cũng bực bội, khó chịu, cho là như thế này, cho là như thế kia, vì chấp tướng nên giận hờn thất thường, ngu si mê muội, cho ta lớn ta nói đúng, nhỏ nói sai, cho ta tài giỏi nên ra sức nhận xét người khác, cho là pháp môn ta là chính, pháp môn người khác sai, cho ta là anh, người khác là em vì thế ra sức khuyên bảo, ra đường gặp cái gì cũng nhận xét, về nhà thấy cái gì cũng bình luận... nhiều lắm. Cư sĩ tư duy, còn ta thì sao? Sao không lo tu hành, điều chỉnh hành vi của mình mà tối ngày cứ nói người khác không vậy? Ta đâu phải là bồ tát, mà đủ năng lực để độ chúng sinh nhiều như vậy. Hãy tự lượng sức mình.
Bài 58.
Muốn tu hành mà không xả bỏ ngã mạn rất khó tu, tu hành mà còn hãnh diện, sĩ diện, bộ mặt để nhìn đời thì làm sao tu? Cái tính cống cao ngã mạn, nó là chướng ngại lớn nhất của ta, nó phá đi cái hạnh lành của ta, nó hủy hoại tài sản của ta.
Vì mưu cầu đạo, vì muốn giải thoát, các vị hoàng tộc của đức Thích Ca, các vị trưởng lão dòng Thích Ca phải quì lạy Ubali, một đệ tử Phật xuất thân từ tầng lớp hạ lưu thời đó. Cư sĩ ta thì sao? Giao tiếp nói một lời ái ngữ là rất khó rồi, huống chi là thực tập cái khác, cái tâm đầy cao ngạo và phiền não giống như màn đêm buông xuống làm ta chỉ thấy ta, không thấy người, và không thấy đường đi.
Ta tự cho mình cao quí, tự cho có vai vế, tự cho có quyền, tự cho học giỏi tài cao, tự cho là bất khả xâm phạm, không ai được đụng đến, cái ta đầy bảo thủ, thì làm sao tu? Tưởng mình cao nhưng không cao, tưởng mình thông minh nhưng rất ngu si, tưởng mình sáng suốt nhưng rất u mê mà không biết.
Đụng đến thì giận hờn, đụng đến thì sân hận trong lòng, đụng đến thì thù oán, đụng đến ghen ghét... cái tâm chứa đầy các loại rác bẩn đến khi nào Cư sĩ xả bỏ?
Cái đã học thì đã học, cái hiểu thì đã hiểu, cái biết thì đã biết, cái thấy thì đã thấy, còn cái làm, thực hành thì sao? Đạo phật là đạo thực hành, thực hành ngay trong cuộc sống, ngay trong nhà mình, ngay trong bạn bè mình, ngay trong người thân mình, là thực tế, là cụ thể, là sáng tỏ...
Ví dụ: Mình hay chửi thề, mình được nhắc nhở, bây giờ không chửi thề nữa, như thế là tu,....
Ví dụ: Mình hay giận hờn, được biết, và thực hành, bây giờ không giận hờn nữa là tu
Hay nói xấu người khác, bây giới không còn tính nói xấu người khác là tu, rất dễ thực hành dễ thực tập, xưa nay tu hành mọi người nghĩ rằng phải luyện pháp này, pháp nọ, pháp đàn này pháp đàn nọ, cầu siêu này cầu siêu nọ, đi chùa này đi chùa nọ, quì lạy khấn thiết cầu xin thần thánh? Xin sâm nói quẻ? Cư sĩ nên biết mọi thứ chỉ là phương tiện của phật pháp, đã là phương tiện thì nó đâu phải cứu cánh, nó đâu phải là chân thật của pháp tu, sao Cư sĩ cứ mê lầm?
Kinh pháp hoa là lời nói của Như Lai, là chân thật, là không hư dối, phải tin lời Như Lai nói, phải tin lời thuyết của Như Lai, vì vốn nó như vậy nên Như Lai thuyết, nó như vậy nên Như Lai nói, vì độ sinh mà Như Lai nói, vì độ sinh mà Như Lai thuyết, vì người mà Như Lai thuyết, vì người mà Như Lai nói.
Vậy với tâm hời hợt, tâm tham, sân si, tâm nóng giận, sân hận, tâm cống cao ngã mạn, tâm thù oán, tâm ghen ghét, tâm lười biếng, chểnh mảng, tâm ỷ lại, tâm chấp đố... Cư sĩ có đủ thanh tịnh để vào phẩm pháp hoa không?
Thân dơ thì dùng nước rửa, tâm dơ thì dùng chánh pháp để rửa. Cư sĩ phải quét cho sạch rác trong tâm mình nhé, cố gắng lên.
Rác nhà mình thì mình tự quét nhé. Sư Phụ chỉ giúp cây chổi và cách quét, còn quét hay không là do Cư sĩ, Sư Phụ không liên quan tới....