LỤC HÒA
(Bổ sung diễn giải hạnh thứ 9 Phổ hiền)
1. Thân hòa cùng ở (Thân hòa đồng trú)
Hãy chung sống với nhau một cách hòa hợp, đùm bọc, chứ không nên dùng võ lực, mạnh yếu để đàn áp nhau.
2. Lời nói hòa hiệp, không tranh cãi nhau (khẩu hòa vô tránh)
Hãy nói năng với nhau một cách dịu dàng, hòa nhã, ái ngữ, nếu có điều gì thắc mắc cần bàn cãi, thì cũng phải bàn cãi trong ôn hòa, lễ độ, tích cực.
3. Ý hòa cùng vui (Ý hòa đồng duyệt)
Hãy nuôi dưỡng ý tốt đẹp đối với nhau, hãy trau dồi đức hỷ xả, đừng bao giờ nuôi dưỡng tâm thù hiềm, ganh tỵ.
4. Giới hòa cùng tu (Giới hòa đồng tu)
Hãy giữ đúng giới luật như nhau, hãy lấy kỷ luật làm đầu. Vô kỷ luật thì không một đoàn thể nào có thể tồn tại được.
5. Thấy biết giải bày cho nhau hiểu (Kiến hòa đồng giải)
Hãy giải bày những sự hiểu biết, những ý kiến của mình cho người chung quanh. Người thông hiểu nhiều, phải có bổn phận chỉ bày cho người hậu tiến và dắt họ đi kịp mình. Biết lắng nghe điều hay lẽ phải.
6. Lợi hòa cùng chia cân nhau (Lợi hòa đồng quân)
Hãy chia đồng đều tài lợi thu thập được cho những người cùng sống chung với mình, để mọi người đều được thỏa mãn, vui vầy.
Thường khoan dung và tha thứ, khiêm tốn và lễ độ, không khinh khi người khác đó là những người Dũng và Trí. Sở dĩ con người giỏi, thông minh, tài trí... đó là người có Phúc đức. Nhân quả như bóng với hình, nếu không có nhân đời trước đã gieo thì không có quả thông minh tài trí đời nay. Vậy ta hãy tiếp tục gieo trồng căn lành để có quả lành đời vị lai. Trong cuộc sống đừng nên thờ ơ với những gì quá gần gũi và quen thuộc. Hãy gìn giữ chúng. Đừng để mất đi rồi hối tiếc. Không nên so sánh mình với người khác, hãy nên học hỏi các điều tích cực để hoàn thiện bản thân mình. Mỗi người khi sống và làm việc luôn luôn bị ái nghiệp của bản thân chi phối và sự tương tác của nghiệp lực của chính bản thân mình. Vì thế không ai giống ai, không nên phân biệt và so sánh. Trí tuệ chân thật là trí tuệ không phải lấy từ sách vở mà ra. Đạo có được là từ tâm hồn trong sáng an tịnh mà ra, đức có được là từ sự độ lượng mà thành, biết đủ thì thường vui, tham quá lại lo khổ nhiều, người biết đủ thì bao nhiêu cũng đủ, người không biết đủ thì bao nhiêu cũng thiếu. Biết đủ tuy nghèo mà vui, không biết đủ tuy giàu mà khổ. Người kém mà chuyên tâm tu tập thì cũng sáng, người sáng mà lười biếng thì cũng tối. Chăm học là để hiểu biết sâu xa, thấy lỗi là cốt để sửa mình. Trong ngoài luôn luôn quán xét, thì tâm sẽ thường sáng.