Đạo Tâm 20/07/2022
Ngày đăng: 05/10/2022 03:54 PM
Hãy học và làm theo nước
Dòng nước tưới mát cho muôn loài, muôn loài mới được sinh trưởng, thế nhưng nó đâu có vì bản thân nó, thật giống như Đức của người quân tử. Nước chảy theo một dòng, cam ở chỗ thấp, chịu ở chỗ sâu, thật giống như Nghĩa khí của người quân tử. Nước mênh mông cuồn cuộn không bao giờ dứt, thật giống như Đạo của người quân tử. Dù phía trước là vực sâu vạn trượng, nước vẫn xông lên, không bao giờ quay đầu lại, thật giống như Đức Dũng của người quân tử. Nước ở trong ao, trong chậu phẳng lặng như gương, thật giống như Pháp. Dù khe hở đến mấy nó cũng thấm vào, thật giống như Sát. Dòng sông cuồn cuộn chảy ra nguồn, hướng về biển đông không nghỉ, thật giống như Chí của người quân tử. Vạn vật ra vào trong nước trở nên tinh khiết, thật giống như Giáo Hóa.
Làm người phải giống như nước, nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh thắng. Ở thì lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thì dùng đến lòng nhân, nói ra thì trung thành, sửa trị thì làm cho được thái bình, làm việc thì hợp với tài năng, cử động thì hợp với thời buổi, vì có đức không tranh cho nên không sao lầm lỗi. Lòng của chúng ta cũng phải như thế. Hay làm lợi cho mọi người mà không cầu mong sự đền đáp nào. Đối với mọi người thì theo lòng nhân gọi là Giữ Thiện Thân luôn làm việc nghĩa giúp đời mà không cầu danh lợi. Lời nói lúc nào cũng một mực ngay thẳng gọi là Ngôn Thiện Tính, sửa trị đời thì chủ trị vào việc an dân, lạc quốc gọi là Chánh Thiện Trị. Không hướng vọng cao xa làm việc hợp với tài sức mình gọi là Sự Thiện Năng cũng như nước từ nguồn suối đổ vào hang, lạch, ao, hồ chảy lan mọi chỗ thấp, để sau đó hòa cùng đại dương bát ngát. Không hướng thượng, không cao vọng đó là đức Yên dân. Đến hành động thì phải tùy thời, tùy lúc gọi là Động Thiên Thời làm thế nào có lợi cho người mà không vị ngã, không cố cược một cách mù quáng để tranh thắng. Phải hòa với mọi người, một lòng lo cho người đó là cái đức của người Quản trị đáng được mọi người noi theo.
Thường Hằng
Học nhiều và đọc nhiều sách, đọc nhiều nghĩ nhiều dần dần lượng đổi thành chất. Càng thu lượm lẽ phải càng đầy đủ, càng tế nhị tư tưởng thì càng rộng lớn, càng sâu dày bao nhiêu thì càng cao sang bấy nhiêu. Giữ đời sống bình thường không gì bằng tiết kiệm, bồi dưỡng sinh lực không gì bằng ít dục tình, sau khi uống rượu nên giữ lời nói, lúc ăn nên giữ lòng giận dỗi, nhịn những việc khó có thể nhịn, hòa thuận với người không hòa thuận. Ăn uống không tiết độ là nguồn gốc của bệnh tật. Tư tưởng không đúng đắn là nguồn gốc của hại mình, bệnh tật từ miệng vào họa hoạn từ miệng nói ra, nhún mình có thể theo được mọi người, hiếu thắng tất gặp địch thủ, bủn xỉn quá tất hao phí lớn, tích trữ nhiều tất mất mát to, cẩn thận thì không có, nhẫn nại thì không nhục, tinh dưỡng thì được yên, cần kiệm thì thường được đủ, nói nhiều thì nhiều việc hỏng, giữ được lòng giản dị thì lòng tất tự yên, biết được hạn định của mình thì lòng tự đầy đủ, không để tâm đào bới sự việc thì không có gì bận rộn trong lòng. Cho nên trong lòng tịch tịnh thì sinh sáng suốt, trong lòng náo động thì sinh tối tăm. Người lái buôn gian dối làm rối loạn thị trường, người nông phu lười biếng làm hư cả ruộng đất, người độc phu tàn bạo làm nhiễn loạn cả đất nước, một con ngựa bẩn làm nhơ nhuốc cả đàn. Giàu có không biết tiết kiệm lúc nghèo phải hối hận, thấy việc không học hỏi lúc thi thố mới thấy hối tiếc, lúc say nói dại dột lúc tỉnh phải bận lòng, bình thường không nghỉ ngợi lúc bệnh phải hối hận, người khinh suất lời nói tất nhiên lời nói kém phần tinh chắc, người tân bốc thạo tất nhiên chê bai cũng thạo, việc không nên làm hết, quyền không nên dùng hết, lời nói không nên nói hết, phúc trạch không nên hưởng hết. Người nói xấu hay khen ta, ta điều phải dùng minh tâm mà suy xét, chỗ thiếu sót của người ta lượng tình mà tha thứ, chỗ ta thiếu xót ta nên dung lý lẽ mà nghiêm trách, bụng dạ cần phải rộng lượng, công việc cần phải phương tiện (linh hoạt), sự độc đoán chỉ gây ra oán hận mà thôi.
Việc không can dự, nếu không bất đắc dĩ không nên đụng đến. Rượu ngon, sắc đẹp, của cải, tức khí, bốn điều này nên lưu ý vì nó có thể làm hại bản thân.
Danh lớn không nên đeo lấy mãi, việc lớn không nên gánh vác mãi, quyền thế lớn không nên giữ mãi, uy vọng lớn không nên bám lấy mãi.
Phải gần người ngay thẳng, thường thấy lỗi mình, ít thấy lỗi người. Nếu thân cận với những người không siêng năng, chăm chỉ khiến ta trở nên lười biếng, không tỉnh thức, gần gủi bậc trí để học hỏi những điều hay, kinh nghiệm trong cuộc sống, không bàn luận thị phi phù phiếm. Trao đổi chia sẽ những kinh nghiệm quí báu, giúp đỡ mọi người. Thường xuyên phòng hộ, kiểm soát và làm chủ tâm mình.
Tạo ra môi trường tự nhiên cho mọi hoạt động, tránh xa những nơi ồn ào không hữu ích. Giữ cho tâm luôn bình đẳng, hài hòa. Giữ gìn lời nói trong sạch cho mình và cho bạn, việc làm chính đáng phù họp với đạo lý. Bất luận làm gì, dù đó là công việc vụn vặt hàng ngày, điều phải tìm hiểu trước khi làm, cố gắng hết sức để hoàn thành. Ví dụ: như nấu nước, rửa chén, quét nhà,... đừng xem nó là một công việc, xem đó như một cơ hội để ta thực hành kỹ năng sống, chăm sóc, phục vụ mình và cho mọi người. Việc đến thì tiếp nhận một cách tự nhiên và thoải mái và hoàn thành nó trong sự vui vẻ và chia sẽ.Việc khó khăn của người khác, có thể hỗ trợ, thì gánh lấy 1 phần trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nó một cách tốt nhất.
Với bất cứ giao duyên nào trong cuộc sống ta điều không được ít kỷ, tư lợi chỉ biết sống riêng cho bản thân mình. Hạnh phúc, thành công hay của cải nên chia sẽ với mọi người, tránh xa bài bạc, rượu chè và những giao lưu phù phiếm không lợi ích. Luôn khiêm tốn lễ độ chân tình và thẳng thắng, đúng thời tham gia các công tác xã hội hữu ích.
Dùng lời nói ái ngữ, hòa đồng, đoàn kết không hứng khởi áp bức, hay trói buộc người khác những điều hiểu biết của ta. Nói điều cần thiết, và điều mà người khác muốn nghe, không tạo sự xung đột về ngôn ngữ, hay trói buộc về ý tưởng.
Kế đó là thực hành, tham gia nhiều công tác xã hội, để mở tâm mình và tâm mọi người, rèn luyện bản thân, ý thức cộng đồng, có thái độ hành vi hợp lý và đúng đắn, rèn luyện kỹ năng và trí thức sống.
Phải nhớ rằng khi trời sáng, mở mắt ra trước mặt là bình minh của ngày mới, biết rỏ mình cần làm gì là điều rất quan trọng, mọi người thường không để ý đến sự biết ơn và đền ơn những gì đã vay mượn từ thiên nhiên, cần phải tri ơn ở trong lòng. Cây cối, bông hoa, gió nước bầu trời, trăng sao điều là những lợi dưỡng cho chúng ta, ta nên cảm kích tất cả, sống và suy nghĩ với lòng biết ơn. Chúng ta sẽ nhận quả ngọt nếu không trở thành kẻ vô ơn. Nhờ lợi dưỡng từ thiên nhiên, chúng ta sẽ được mạnh khỏe, hạnh phúc sống hòa mình với thiên nhiên, với mọi người. Nguồn lợi dưỡng đó giúp cho ta có nhiều cơ hội để thực hành, nếu trong lòng chúng ta luôn biết ơn thì sẽ giống như những bông hoa sinh đẹp, tô điểm cho cuộc đời nầy.
Khi hoàng hôn xuống, bầu trời đầy sao, vạn vật được trường dưỡng, để chuẩn bị cho một ngày mới, với thân thể tràn đầy, sức sống, hãy tận dụng nguồn sinh lực đó cho một ngày mới, có ích cho mình và cho mọi người, siêng năng lao động, tạo ra những hữu ích cho gia đình và xã hội.
Thời gian rãnh rỗi, hãy đọc sách, thực hành hoàn thiện bản thân thông qua lao động thực tế và trãi nghiệm, không để tâm nhàn rỗi lười biếng. Cơ hội làm người rất khó, kể từ khi ta bắt đầu sinh ra, và nhận thức được sự có mặt của mình trên cuộc sống nầy, hãy tranh thủ tận dụng thời gian hiện có, ngắn ngũi mà làm nhiều điều tốt và tích cực.