ĐẠO TÂM 28/09/2019

VÕ ĐẠO THIẾU LÂM QUYỀN SƠN

8:00 AM - 21:00 PM

ĐẠO TÂM 28/09/2019
Ngày đăng: 30/08/2022 08:43 AM

GIẢNG ĐẠO TÂM (Bản ngã)

 

1. Bản ngã (cái ta, cái tôi) an trú ở đâu? Muốn diệt bản ngã, phá chấp ta, ta phải biết bản ngã nằm ở đâu.

 

Bản ngã của ta an trú trong thân ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Ta chấp cho rằng:

 

Sắc thân này của tôi

 

Cảm thọ này của tôi

 

Tôi tưởng cái này, tôi tưởng cái kia

 

Suy nghĩ này của tôi, tôi nghĩ như vầy,...

 

Tôi nhận biết, rõ biết cái này, cái kia...

 

Chấp thủ ngũ uẩn là ta, là của ta, ta là ngũ uẩn dẫn đến bị cột, bị trói buộc, bị dính chặt.

 

- Bản ngã an trú trong sắc thân: Sắc thân này do duyên sanh (do tứ đại giả hợp, đất, nước, gió, lửa hình thành...). Không có chủ thể, không cố định, biến đổi, và hoại diệt. Mà ta cho sắc thân này là ta, là của ta (bản ngã), và bám víu vào ý nghĩ đó, giữ chặt suy nghĩ đó, trói buộc nó. Trong khi đó nó biến đổi từng ngày, đâu có theo ý ta. Vì suy nghĩ nó là ta rồi chấp ngã, bám víu, và đau khổ khi nó biến đổi và hoại diệt (Cư sĩ hãy nhìn hình ảnh nghĩa địa thì sẽ cho biết được sự thật sắc thân này).

 

- Bản ngã an trú trong thọ (cảm thọ):

 

Có tiếp xúc thì sinh cảm thọ (sáu căn và sáu trần), tức là khi duyên sáu căn và sáu trần phát sinh. Duyên diệt thì cảm thọ diệt, hết duyên cảm thọ này đến duyên cảm thọ khác, liên tục thay đổi, không cố định. Mà ta chấp cảm thọ này của ta, cảm thọ kia của ta, rồi bám víu, níu kéo, rồi chấp giữ nó trong tâm, các cảm thọ vì duyên mà đến, đâu phải vì ta (bản ngã) mà đến. Nó đâu có theo ý ta.

 

- Cảm giác yêu thương này đến, rồi lai đi (luôn biến đổi).

 

- Cảm giác thương, ghét đến rồi lại đi (luôn biến đổi, không cố định). Tùy duyên mà sinh, rồi cũng vì duyên mà diệt đi.

 

- Hết cảm thọ này đến cảm thọ khác, liên miên bất tận, trùng trùng duyên khởi cảm thọ, đến rồi lại đi, thật vô thường. Ta cố bám víu nó, giữ lấy nhưng nó vẫn bỏ ta mà đi. Ta đâu phải là chủ nhân của cảm thọ này, hay cảm thọ kia và các cảm thọ cũng đâu phải của ta (ngã).

 

Chính xác mà nói cảm giác dễ chịu, khó chịu, hoặc không dễ chịu, không khó chịu, từ các cảm thọ mang lại, nhưng các cảm giác này nó không phải là của ta, không thuộc về ta (cảm thọ như khách qua đường). Khách đã đi rồi, mà tâm ta vẫn còn vương vấn.

 

- Sự chấp thủ các cảm thọ, xuất phát từ tâm tham ái, mong cầu. Cái gì thuận thì mong mỏi, truy cầu, cái gì nghịch thì thù ghét, không ưa. Thuận hay nghịch vốn cũng do thuận duyên mà sanh hay cũng do nghịch duyên mà sanh. Mà duyên sanh thì vô thường biến đổi đâu cố định. Giống như sắc thân con người từ khi sinh ra đến khi mất đi, luôn biến đổi và hoại diệt từng phần, đến khi thọ mạng kết thúc. 

 

Cảm thọ cũng như vậy. Nó thật hư dối, không thường trụ, biến đổi, sanh diệt liên tục và nó không thuộc về ta, nó không phải của ta, nó không phải tự ngã của ta. Ta không thể điều chỉnh cảm thọ theo ý mình. Đây là một sự thật mà Cư sĩ phải quan sát và dùng tuệ giác của mình chứng thực nó.

 

 

Đăng ký nhận tin

0
Zalo
Hotline