Tám điều giác ngộ
1. Giác ngộ rằng vạn pháp là vô thường và vô ngã, quán sát về tính vô thường và vô ngã của vạn pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.
2. Giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều khổ đau, và bớt ham muốn tức làm cho đời bớt khổ.
3. Giác ngộ rằng biết đủ mang tới an lạc, sống đơn giản thì sẽ có thì giờ để tu đạo và có tâm lực để giúp đời.
4. Giác ngộ rằng chỉ có sự tinh tấn mới đưa ta tới quả vị giác ngộ. Lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa chúng ta vào thế giới ma chướng và phiền não.
5. Sống trong quên lãng và vô minh, thì sẽ đời đời sống trong cõi sanh tử và ràng buộc, chỉ có đời sống Chánh niệm và Tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu trí tuệ và giác ngộ và khả năng giáo hóa.
6. Giác ngộ rằng bố thí là một phương tiện quan trọng để độ mình độ người, vì nghèo khổ mà phần đông oán hận và căm thù. Do đó mà cứ tạo thêm nghiệp xấu. Người hành đạo phải thực hiện pháp bố bí coi kẻ ghét người thương bằng nhau, bỏ qua những điều ác mà người ta đã làm đối với mình mà không đem tâm ghét bỏ những ai đã vì nghèo khổ mà lỡ phạm vào tội lỗi.
7. Giác ngộ rằng người hành đạo khi đi vào đời không bị chìm đắm trong cuộc đời, luôn luôn sống nếp sống thanh bạch mà hành đạo, giữ phẩm hạnh, mà đem lòng từ bi mà đối sử với tất cả mọi người và mọi loài.
8. Giác ngộ rằng không chỉ bo bo lo việc giải thoát cho riêng minh, mà phải biết nổ lực phục vụ cho người khác, để tất cả cùng hướng về đường giác ngộ.